Chùa Tây Thiên là một trong ba thiền viện lớn nhất trong dòng thiền viện trúc lâm. Du lịch chùa Tây Thiên Vĩnh Phúc đưa du khách trở về với vùng đất tâm linh nơi cửa Phật. Tây Thiên trở thành địa danh nổi tiếng thu hút đông đảo du khách thập phương về đây dâng hương và cầu những điều may mắn tới bản thân và gia đình. Chúng ta cùng khám phá để hiểu hơn về mảnh đất linh thiêng này nhé.
Mục Lục
Giới thiệu đôi nét về chùa Tây Thiên Vĩnh Phúc
Khu danh thắng Tây Thiên nằm trên sườn ngọn núi Thạch Bàn thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, cách thủ đô Hà Nội khoảng 85km về phía Tây Bắc.
Nơi đây chính là Thiền Viện Trúc lâm lớn nhất cả nước, với diện tích khoảng 148 ha, mang vẻ đẹp của văn hóa tâm linh kết hợp với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ.
Chùa Tây Thiên Vĩnh Phúc là nơi thờ quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu và thờ Phật, thu hút rất nhiều các phật tử về hành hương, lễ phật.
Ngoài ra, Tây Thiên còn là quần thể di tích lịch sử – văn hóa, bao gồm các hệ thống đình, chùa, thảo am thờ Mẫu và thờ Phật có giá trị văn hóa và khảo cổ. Trong đó có những ngôi đền nổi tiếng như đền Thượng, đền Thõng, đền Mẫu Sinh, đền Cô, đền Cậu rất linh thiêng, cùng với thiên nhiên hùng vĩ, tuyệt đẹp càng tô thêm vẻ huyền bí chốn linh thiêng, hứa hẹn nhiều bất ngờ và thú vị trong mùa lễ hội.
Thời gian thích hợp đi du lịch chùa Tây Thiên
Khu danh thắng Tây Thiên thuộc huyện Tam Đảo có khí hậu quanh năm mát mẻ. Vì thế bạn có thể đến chùa Tây Thiên bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên du lịch chùa Tây Thiên gắn liền với yếu tố tâm linh, các bạn cũng có thể đi vào các dịp lễ đặc biệt của nhà Phật như.
- Ngày 15/2 âm lịch hàng năm diễn ra khai mạc lễ hội Tây Thiên và đây là lễ hội lớn nhất miền Bắc, thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch trẩy hội dâng hương lễ Phật.
- Mùa hè thường tổ chức các khóa tu tại Thiền Viện Trúc Lâm, cũng được rất nhiều ban trẻ quan tâm và tham gia.
Cách di chuyển đến Thiền Viện Trúc Lâm – Vĩnh Phúc
Tây Thiên nằm cũng không quá xa Hà Nội nên có rất nhiều cách lựa chọn phương tiện khác nhau để di chuyển.
Đi xe bus
Từ Hà Nội các bạn bắt xe (07, 58) đi Mê Linh plaza. Sau đó bắt xe Vĩnh Phúc – 01 đến bến xe Vĩnh Yên, rồi lại bắt xe Vĩnh Phúc – 07 (Vĩnh Yên – Tam Đảo) xuống bến Đại Đình để đi Thiền Viện Trúc Lâm khoảng 40 phút. Từ đây bạn đi bộ lên Thiền Viện khoảng 3km.
Đi du lịch chùa Tây Thiên bằng xe máy
Xe máy là phương tiện di chuyển khá thuận tiện mà lại chủ động được lịch trình thăm quan. Bạn có thể di chuyển xe máy theo tuyến đường sau.
Từ Hà Nội – Phạm Văn Đồng – Cầu Thăng Long – Nội Bài – Ngã tư Nam Hồng – Mê Linh ( Phúc Yên) – Vĩnh Yên – Chùa Tây Thiên.
Đi du lịch Tây Thiên bằng ô tô
Ô tô cá nhân là phương tiện cá nhân di chuyển thuận tiện nhất. Các bạn di chuyển theo cung đường sau.
Từ Hà Nội – cầu Nhật Tân – Ngã tư QL2 – cao tốc Hà Nội (Lào Cai) – nút giao CI4( giao QL2B) – Tam Đảo Tây Thiên.
Phương tiện đi lại ở Tây Thiên
Cáp Treo lên đỉnh Tây Thiên
Cáp treo là cách di chuyển nhanh nhất lên đỉnh Tây Thiên chỉ trong 10 phút. Với cách di chuyển này bạn vừa không mất sức lại có thể ngắm toàn bộ Tây Thiên từ trên cao, bên dưới là những cánh rừng một màu xanh mướt của cây cối như một bức tranh thiên nhiên núi rừng hùng vĩ.
Giá vé đi cáp treo
- Vé người lớn khứ hồi: 200.000 đ/người
- Vé trẻ em khứ hồi: 140.000 đ/ trẻ em
- Vé người lớn 1 chiều: 130.000 đ/người
- Vé trẻ em 1 chiều: 80.000 đ/trẻ em
Lưu ý: Miễn phí đối với trẻ em dưới 1m
Đi bộ lên đỉnh Tây Thiên
Nếu bạn có sức khỏe và thích khám phá, trải nghiệm trên những bậc thềm uốn lượn, hai bên là cây cối xanh tươi mát mẻ, yên bình giữa không gian núi rừng.
Cảnh vật nguyên sơ cùng với thảm thực vật phong phú, không khí khoáng đãng yên bình. Bạn sẽ tận hưởng bầu không khí trong lành và tự mình khám phá cảnh quan thiên nhiên. Tổng quãng đường đi bộ khoảng 4km và mất khoảng 2 – 3 tiếng tùy thuộc vào độ lang thang của bạn.
Khám phá thêm: Kinh Nghiệm Du Lịch Đại Lải
Các địa điểm tham quan khi đi du lịch Tây Thiên
Du lịch Tây Thiên là một điểm thăm quan tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương về đây dâng hương, lễ phật và vãn cảnh chùa. Trở về với cõi Phật bạn sẽ thấy lòng nhẹ nhàng, bao muộn phiền tan biến, tâm tĩnh an nhiên. Sau đây là một số địa điểm tham quan không thể bỏ qua khi du lịch chùa Tây Thiên Vĩnh Phúc.
Thăm quan Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên
Thiền Viện Trúc Lâm là một công trình hoành tráng được xây dựng trên nền chùa cổ Thiên Ân cổ và là một trong ba Thiền Viện lớn nhận cả nước. Khuôn viên Thiền Viện nằm trên một quả đồi rộng 4.5ha, rừng ngoại vi rộng khoảng 50ha, ở độ cao 300m so với mực nước biển. Phía trước là cánh đồng rộng mênh mông, phía sau là rừng thông vi vút.
Thiền Viện Trúc Lâm có kiến trúc độc đáo vừa kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữ được nét đặc trưng của ngôi chùa Phật giáo mang đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tâm linh của các Phật tử ngày nay.
Nơi đây không chỉ là nơi phật tử thập phương hành hương về nơi của Phật mà còn là nơi đào tạo Phật giáo có hệ thống, tạo điều kiện Phật giáo Việt Nam phát triển cả về chiều sâu lẫn chiều rộng truyền bá đạo Phật, giúp con người hướng thiện và đặc biệt đẩy mạnh giao lưu các dòng Phật giáo của các nước khác.
Giữa không gian thiên nhiên rộng lớn, thoáng đãng mát mẻ, cây cối xanh tươi, dạo bước vãn cảnh chùa, dâng nén hương thơm tỏ lòng thành kính, nghe tiếng chuông chùa văng vẳng ngân xa, trầm vọng, bạn mới thấy lòng thanh thản, tĩnh tâm, xóa tan muộn phiền âu lo trong cuộc sống.
Đền Thõng
Đền Thõng hay còn gọi là đền Trình là điểm dừng chân đầu tiên của khách hành hương tại Tây Thiên và được coi là cửa ngõ, để dẫn lên đền Thượng trên đỉnh núi, đưa ta về với Mẫu. Đây là một quần thể kiến trúc cổ nằm yên bình giữa núi rừng Tây Thiên. Ngay tại sân đền có cây đa Chín Cội có niên đại hàng trăm năm tuổi là biểu tượng linh thiêng làm tôn lên vẻ cổ kính của đền Thõng.
Đền Cậu Tây Thiên
Hành trình tiếp theo là đến đền Cậu khởi nguồn từ khe Trường Sinh. Từ đền Thõng tới đền Cậu khoảng 1km, với hai hàng cây xanh mát, xen lẫn là những mái nhà dân đơn sơ nằm dọc con suối nhỏ. Du khách thỏa sức chìm đắm trong khung cảnh núi rừng Tây Thiên một cách chân thực nhất. Đến đền Cậu du khách dâng hương cầu tài, cầu lộc, cầu thọ và cầu ước nguyện về mặt tình duyên và con cái cũng như mong mọi điều tốt đẹp dành cho gia đình.
Đền Cô Tây Thiên
Từ đền Cậu đi thêm khoảng 2km nữa là tới đền Cô. Đền Cô cũng có từ lâu đời và thờ Cô Bé. Đây cũng là địa điểm lý tưởng dành cho những ai mong muốn được giãi bày nỗi niềm.
Đền Cô nằm giữa khung cảnh thiên nhiên khoáng đãng, yên bình với hệ thực vật đa dạng phong phú, mát mẻ cùng với dòng suối Giải Oan, giếng nước cổ sát chân đền, càng làm tăng thêm tĩnh mịch và thanh bình cho không gian nơi đây, theo tâm linh khi uống nước thiêng ở đây sẽ cảm thấy lòng thanh thản, và bình yên đến kỳ diệu.
Tịnh thất Tây Thiên
Tiếp tục từ đền Cô men theo lối rẽ quanh co trong rừng, qua các khe suối, các gốc cây bám rễ ăn sâu vào trong lòng đất là đến Tịnh Thất Tây Thiên. Đền chính là thờ bà Lăng thị Tiêu – là Vương Phi của vua Hùng Vương đời thứ 7. Bà đã có công lao to lớn trong việc cùng Vua Hùng xây dựng đất nước mở mang bờ cõi, dạy dân trồng lúa, xây dựng đất nước thái bình trịnh trị.
Với công lao đó Bà được sắc phong là Quốc Mẫu Tây Thiên và được thờ chính tại đền Thượng. Khu di tích đền Thượng nằm giữa không gian thiên nhiên kỳ vĩ với mây mù, thông reo, chim hót mang đến sự tĩnh mịch và đầy huyền bí.
Thác Bạc Tây Thiên
Thác Bạc bắt nguồn từ đỉnh ngọn núi cao chót vót của khối núi trước mặt, trắng xóa lấp lánh ánh bạc nổi bật trên nền xanh thẫm của rừng già như một dải lụa trắng mềm mại, chảy lắt léo xuống xuống vực sâu bên dưới. Lòng thác Bạc ở Tây Thiên rộng, vào mùa khô nếu bạn nào có sức khỏe và ưa thích khám phá có thể tìm đường lên tận đỉnh ngọn thác.
Ăn gì khi đi du lịch Tây Thiên Viện
Đi du lịch chùa Tây Thiên Vĩnh Phúc là du khách trở về với vùng núi Tam Đảo nên những món ăn không thể bỏ qua khi đến đây là thưởng thức gà đồi, lợn mán, ngọn su su. Đặc biệt ngọn su su ở đây rất ngon và được chế biến thành nhiều món ăn vô cùng hấp dẫn. Sau đây là một số món ăn ngon bạn có thể thử.
Các món ăn ngon với ngọn su su
Ngọn su su là món ăn dân dã, giản dị nhưng vô tình trở thành món ăn đặc sản của vùng đất này. Với khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ phù hợp cho su su phát triển quanh năm, chỉ cần với tay ra vườn ngắt một bó ngọn su su, dài mập, tươi giòn chế biến thành nhiều món ngon đưa miệng hoặc đơn giản chỉ cần luộc lên rồi chấm với nước tương đưa cơm phải biết.
Su Su xào với thịt bò hay lòng gà lại càng ngon, càng dậy lên hương vị thơm ngon của nguyên liệu chính. Và bạn đừng quên mua vài kg về làm quà cho người thân và bạn bè cùng thưởng thức nhé.
Thưởng thức thịt lợn mán
Lợn mán vô cùng thơm ngon và hấp dẫn do người dân chăn thả tự nhiên chứ không ăn cám công nghiệp nên thịt rất thơm, thịt dai chứ không mềm. Với lợn mán bạn có thể thưởng thức một số món ngon như thịt lợn hấp, thịt lợn nướng, hay nấu rượu mận đều ngon và hấp dẫn.
Thưởng thức gà đồi
Gà đồi được chăn thả tự nhiên trên các triền đồi rộng nên thịt rất chắc và thơm. Khi ăn thịt dai, chắc không như gà công nghiệp. Các món ngon được chế biến từ gà đồi như gà rang muối, gà luộc, gà rang mỡ hành….Mỗi món ăn đều mang lại những hương vị rất riêng đậm đà khác nhau.
Chuẩn bị đồ ăn ở nhà
Đi du lịch chùa Tây Thiên để tiết kiệm được chi phí và chủ động về ăn uống bạn có thể chuẩn bị đồ ăn nhẹ ở nhà mang đi như bánh mì, xúc xích, nước uống, bánh ngọt…..để ăn trưa hoặc bạn có thể ăn chay ở Thiền Viện.
Ngoài ra bạn có thể tham khảo: Kinh Nghiệm Du Lịch Tam Đảo
Lưu trú ở đâu khi đi du lịch Tây Thiên Vĩnh Phúc
Có rất nhiều du khách chọn du lịch Tây Thiên đi trong ngày rồi về. Theo phucuongtourist.com nếu bạn muốn trải nghiệm Tây Thiên lâu hơn hay kết hợp nghỉ dưỡng ở Tam Đảo, bạn có nghỉ ở khách sạn, nhà nghỉ hay tại các homestay. Sau đây là một nơi lưu trú giá hợp lý được nhiều khách du lịch lựa chọn.
- Biệt thự Hoa Hồng Tam Đảo – Rose villa
Địa chỉ: Thôn 2 – Tam đảo – Vĩnh Phúc
Cách Tây Thiên khoảng 5.1 km
- Chillout Tam Đảo
Địa chỉ: Thôn 2 – Tam Đảo – Vĩnh Phúc
Cách Tây Thiên 5.1km
- Le Vent Homestay Tam Dao
Địa chỉ: Thôn 2 – Tam Đảo – Vĩnh Phúc
Cách Tây Thiên 5.2km
- Nhà nghỉ Dung Thắng
Địa chỉ: Tại đền Trình Quốc Mẫu Tây Thiên – Tam Đảo
Nằm sát chân đền Thõng Tây Thiên
Khám phá:
Một số kinh nghiệm bỏ túi khi đi du lịch Tây Thiên
- Nếu bạn đi vào mùa hè thì nên mang đủ lượng nước cần thiết và mang mũ vành rộng, áo khoác mỏng, mang đồ ăn nhẹ khi cần, nạp cho cái bụng đói.
- Bạn nên mang thêm những đôi dép hoặc đến thuê ngay tại chân núi bởi khi leo phải vượt qua nhiều đoạn suối dễ bị ướt dày.
- Nếu đi xe máy, cách thuận tiện nhất để gửi xe và không mất thời gian đi bộ các bạn nên đi thẳng sát vào chân núi rồi gửi xe.
- Vào mùa lễ hội rất đông, các bạn nên giữ tiền cẩn thận.
- Vào chùa nên ăn mặc lịch sự, không làm ồn ảnh hưởng đến những người xung quanh
- Khi có trẻ em đi cùng, các bạn không nên cho chơi ở chỗ Thác Bạc vì có nhiều trường hợp không may xảy ra.
- Nếu bạn là tín đồ của các lễ hội thì bạn nên đến Tây Thiên vào các ngày 15, 16, 17 tháng 2(âm lịch) hàng năm. Đây là lễ hội lớn được tổ chức để tưởng nhớ bà Quốc Mẫu Tây Thiên.
Và còn rất nhiều điều huyền bí khi đến Tây Thiên bạn mới cảm nhận hết được. Với những thông tin hữu ích qua bài viết trên của https://phucuongtourist.com/ sẽ cho bạn những kinh nghiệm quý giá khi đi du lịch chùa Tây Thiên Vĩnh Phúc một cách đầy đủ nhất.
Để lại một phản hồi