Điểm tham quan Tháp cổ Vĩnh Hưng Bạc Liêu

Cập nhật 2021: Tháp cổ Vĩnh Hưng Bạc Liêu là một điểm tham quan có nhiều dấu ấn cổ xưa còn sót lại của nền văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam Bộ. Nơi đây luôn là một địa điểm thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học, các nhà khảo cổ và du khách.

Thông tin điểm tham quan Tháp cổ Vĩnh Hưng Bạc Liêu

Địa chỉ: tọa lạc tại ấp Trung Hưng, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu

Tháp cổ Vĩnh Hưng nằm cách thành phố Bạc Liêu khoảng 20 km mất 40 phút di chuyển. Du khách có thể lựa chọn di chuyển bằng ô tô hoặc xe máy.

Giới thiệu tổng quan điểm tham quan Tháp cổ Vĩnh Hưng Bạc Liêu

Tháp cổ Vĩnh Hưng được phát hiện từ năm 1911 bởi các nhà khảo cổ người Pháp đến đây khai quật và nghiên cứu.

Tháp cổ Vĩnh Hưng được xây dựng trên một mảnh đất rộng cao hơn 0,5m. Chân tháp hình chữ nhật với độ dài một cạnh là 5,6m, cạnh kia là 6,9m và chiều cao là 8,9m. Tháp được xây bằng hai loại gạch có màu sắc khác nhau. Từ chân tháp đến độ cao 4m là gạch đỏ và từ 4m trở lên trên được dùng gạch trắng. Tháp có một gian hình chữ nhật, tường khá dày và nóc cao uốn thành vòm với một cửa chính.

Trải qua nhiều năm, tháp cổ này cũng mang nhiều tên gọi khác nhau như tháp Lục Hiền, Trà Long, tháp Bhah Dhat và bây giờ là tháp cổ Vĩnh Hưng.

Tháp cổ có kiến trúc khá đơn giản nhưng điều mà du khách ngạc nhiên là nó đã tồn tại khá nguyên vẹn hơn 1000 năm dù lộ thiên trên mặt đất. Ở tháp cổ này, những viên gạch được làm từ nhiều niên đại trước đến nay vẫn còn chắc chắn mặc cho bao biến cố, thăng trầm của thời gian, của khí hậu. Chúng xếp chồng lên nhau lớp lớp vừa khít không hề có một kẽ hở nào, kết nối với nhau tạo nên một khối tháp vững chắc, đồng thời tạo thêm những đường uốn vòm tài tình. Những nhà khảo cổ học cũng không hề tìm thấy dấu vết của các chất kết dính giữa những viên gạch với nhau. Điều đó có thể nhận định rằng, từ thời cổ xưa đó, con người đã có những sự sáng tạo, sự tài hoa trong xây dựng mà ngày nay chúng ta khó có thể tưởng tượng ra được Khi đến tham quan tháp cổ Vĩnh Hưng, du khách sẽ cảm nhận được sự cổ kính, huyền bí, bền bỉ của một kiệt tác do con người tạo nên từ thời cổ xưa. Ngôi tháp được xem như một cổ vật linh thiêng. Nhiều người tin tưởng rằng: cổ vật này chứa đựng nhiều bí ẩn của thế giới tâm linh cho nên ít ai dám có hành động bất kính với tháp cổ. Chính vì vậy, ngôi tháp vẫn còn bảo tồn gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Bên trong tháp cổ còn có trưng bày bộ Linga – Yoni tượng trưng cho âm dương hòa hợp được phục chế lại theo hệ phái tín ngưỡng Phồn Thực. Phồn có nghĩa là nhiều, Thực là thực phẩm, thức ăn, hiểu rộng ra nữa là dân cư đông đúc, sung túc. Như vậy tín ngưỡng Phồn Thực mong muốn tạo ra một xã hội đầy đủ cả về con người và của cải. Bộ Linga – Yoni nguyên gốc đang được gìn giữ tại bảo tàng Bạc Liêu. Bộ Linga và Yoni và tín ngưỡng Phồn Thực mang nhiều giá trị đối với văn hóa, văn minh của con người.

Tháp cổ Vĩnh Hưng được khai quật nhiều lần để nghiên cứu về lịch sử và các cổ vật nơi đây:

  • Khai quật lần 1: từ năm 1911 đến 1959, phát hiện nhiều hiện vật thờ cúng và tấm bia ghi chữ Phạn tên của vua Yacovan Man.
  • Khai quật lần 2: năm 1960, phát hiện một số hiện vật đầu tượng thần, minh văn, bàn nghiền, Linga – Yoni…, xác định niên đại của tháp là từ thế kỷ thứ 7 hoặc thứ 8 giai đoạn phát triển cuối của nền văn hóa Óc Eo.
  • Khai quật lần 3: năm 2002, Các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện ra nhiều tấm ngói vẫn còn giữ nguyên vẹn hoa văn; nhiều tượng đồng đặc biệt quý hiếm.
  • Khai quật lần 4: cuối năm 2011, việc khai quật được thực hiện thêm một lần nữa tại khu đất trước tháp, các nhà khảo cổ phát hiện thêm một số cổ vật quý như hai di vật bằng đá, một di vật bằng đồng độc bản nằm ở độ sâu gần 2m. Ngoài ra, nhóm nhà khảo cổ vừa phát hiện thêm một sàn gạch rộng khoảng 25m2.

Năm 1992, tháp cổ Vĩnh Hưng được Bộ trưởng bộ văn hóa thông tin và thể thao quyết định xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật.

Tháp cổ Vĩnh Hưng không phải là di tích đơn lập hay đơn độc mà cùng với nó còn có các di tích thuộc dạng cư trú, sinh hoạt phân bổ ở nhiều nơi trong vùng Vĩnh Hưng. Tuy nhiên, các di tích ấy đã trở thành phế tích, ghi lại dấu vết của một khu cư dân khá lớn đã tồn tại từ cách nay nhiều thế kỷ, chỉ có tháp Vĩnh Hưng còn bảo tồn được khá nguyên vẹn.

Ngày nay, tháp cổ Vĩnh Hưng đã được tôn tạo, trùng tu cùng với việc cho xây dựng những phòng trưng bày các hiện vật đã khai quật được cũng như các tư liệu có liên quan đến tháp cổ này. Chính điều này đã thu hút nhiều du khách đến với tháp cổ Vĩnh Hưng tìm về tháp cổ để hiểu hơn về một thời vàng son của một nền văn hoá Óc Eo nổi tiếng, một nền văn hóa tiêu biểu của người Phù Nam xưa.

Một số hình ảnh


Đầu tượng thần được tìm thấy tại tháp cổ


Bộ Linga và Yoni được phục dựng tại tháp cổ


Những di vật bằng đồng được tìm thấy

Yến Nhi

 

 

 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*