Điểm tham quan Đầm Thị Tường – Biển hồ miền tây

Trải nghiệm của điểm tham quan này là thưởng ngoạn phong cảnh một đầm nước tự nhiền tên là Đầm Thị Tường rộng 770ha, còn có tên gọi là biển hồ miền tây

Giới thiệu về Đầm Thị Tường – Biển Hồ Miền Tây

  • Đầm Bà Tường thuộc 3 huyện đất liền: là Trần Văn Thời, Phú Tân và Cái Nước của tỉnh Cà Mau. Khu vực đầm nước mênh mông này có diện tích mặt nước khoảng 700ha & nó có chiều dài hơn 12km, chỗ rộng nhất lên đến 2 km, chỗ sâu nhất là 1,5m, đầm có hướng thông ra thông ra Vịnh Thái Lan. Đầm được tạo nên từ phù sa bồi lắng của sông Mỹ Bình, sông Ông Đốc và nhiều kênh rạch khác.
  • Đầm cách hơn 40 km từ trung tâm thành phố Cà Mau, đường đi không quá vất vả, khoảng tầm 1h30 phút là khách đến nơi.
  • Địa điểm bến đò để khách “check in” lên thuyền là di tích lịch sử Xẻo Đước.
  • Đến với đầm Thị Tường Cà Mau, du khách không chỉ được cảm nhận vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên mà còn tha hồ thưởng thức những món đặc sản của vùng sông nước, quê hương của rừng mắm, rừng đước ở dãy đất ba bên giáp biển với những người dân chất phác thật thà.

Câu chuyện về đầm Bà Tường

Truyền thuyết vui: Sau chiến tranh, bom đạn dư nhiều quá không biết để đâu, nên các anh bỏ bớt tại đầm, nổ vang rền trời… sau vài cơn mưa rơi xuống trở thành đầm nước  tự nhiên.

Truyền thuyết dân gian:

Tương truyền rằng xưa kia vào thời tiền nhân mới khai hoang, mở đất ở Cà Mau, có một người phụ nữ tên là Tường, đã gan dạ quả cảm, xua đuổi loài hổ dữ đến đây quấy phá, giữ bình yên cho đầm nước mênh mông. Vì ghi nhớ công đức bảo vệ đầm nước và giữ yên cuộc sống cho người dân ở đây, nên người ta đã lấy tên bà đặt cho đầm là Thị Tường (tức là bà Tường).

Một truyền thuyết dân gian khác thì kể rằng, vào thời khai hoang lập ấp, có vị chúa Hổ rất thích một cô công chúa – vốn là con gái của vua Thủy Tề nên đã mang sính lễ đến cầu hôn công chúa. Tuy vậy, vua Thủy tề từ chối làm cho chúa Hổ giận dữ vô cùng. Chúa hổ bèn phái bầy chim trời dùng phép đá lấp biển, khiến cho người dân và những sinh vật sống trong đầm chịu bao khổ ải.

Động lòng trước tình cảnh đó, một người phụ nữ tên Tường đã dũng cảm xua đuổi bầy chim không cho chúng đến quấy nhiễu cuộc sống người dân nữa. Vì vậy mà người ta lấy tên bà đặt cho tên đầm để ghi nhớ ơn đức người xưa. Vùng đất nơi bà Tường xua đuổi đàn chim đến nay vẫn còn và trở thành đầm nước thu hút đông đảo các loài thủy sản đến sinh sôi, nảy nở. Đây chính là nguồn lợi khai thác vô biên của những người dân nghèo địa phương cùng các vùng lân cận.

Zen

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*